logo

PHẪU THUẬT NỘI SOI ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ HOÀNH

( 31/03/2025) PHẪU THUẬT NỘI SOI ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ HOÀNH

          Thoát vị hoành là tình trạng các tạng trong ổ bụng di chuyển lên khoang lồng ngực. Bệnh có thể gặp trong các trường hợp bẩm sinh như thoát vị Bochdaleck (thoát vị sau bên cơ hoành), thoát vị Morgagni (thoát vị phía trước của cơ hoành) và thoát vị qua lỗ thực quản hoặc mắc phải sau chấn thương ngực bụng. Tỉ lệ mắc thoát vị hoành bẩm sinh là khoảng 1- 4/10.000 ca sinh sống. Trong khi thoát vị hoành ở người lớn xảy ra sau chấn thương ngực bụng gây rách cơ hoành  chiếm 0,8-8%, hay bị bỏ sót (7-70%).

Lồng ngực bình thường                            Lồng ngực trong bệnh lý thoát vị hoành

              Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã thực hiện phẫu thuật nội soi cấp cứu thành công, điều trị thoát vị hoành cho một người bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

            Trường hợp người bệnh P.T.B (25 tuổi, thường trú tại xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định ngày 28/02/2025 vì đau bụng dữ dội liên tục vùng thượng vị, khó thở và tức ngực nhiều bên trái. Người bệnh có tiền sử đa chấn thương: Chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt gãy xương gò má trái, chấn thương ngực kín tràn dịch tràn khí màng phổi trái, gãy xương sườn 7, 8, 9, 10, 11, 12 trái, được dẫn lưu màng phổi trái tháng 01 năm 2021.

           Tại bệnh viện, người bệnh đã được khám lâm sàng, chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán, kết quả chụp cắt lớp vi tính phát hiện thoát vị hoành trái nghẹt, tạng thoát vị là ruột non, mạc nối và đại tràng góc lách. Sau hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi điều trị cho người bệnh. Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp cùng Ekip đã tiến hành phẫu thuật nội soi ổ bụng giải phóng và bảo tồn các tạng bị nghẹt gồm ruột non, mạc nối và đại tràng góc lách từ khoang lồng ngực trái trở về ổ bụng, sửa chữa cơ hoành - khâu lại lỗ thoát vị phía sau bên trái cơ hoành (do rách cơ hoành sau chấn thương lồng ngực cũ), làm nở lại phổi trái và dẫn lưu khoang màng phổi trái tối thiểu.

            Sau phẫu thuật, người bệnh được chăm sóc hậu phẫu tại khoa Ngoại tổng hợp, sức khỏe phục hồi tốt và được xuất viện ngày 10/03/2025.

 

Hình ảnh CT lồng ngực cho thấy các tạng từ khoang bụng chui lên khoang lồng ngực bên trái

 

 Ảnh trái: Hình ảnh quai ruột chui vào trong lỗ thoát vị 

cơ hoành qua nội soi ổ bụng

    Ảnh phải: Hình ảnh lỗ thoát vị sau khi đã

đưa quai ruột trở lại vào trong ổ bụng

 

               Cơ hoành là lớp cơ mỏng ngăn cách ổ bụng và lồng ngực. Thoát vị hoành xảy ra khi một hoặc nhiều cơ quan trong ổ bụng di chuyển lên trên, vào trong lồng ngực thông qua bất kì một khiếm khuyết nào trên bề mặt cơ hoành.

            Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ: Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người già. Ở trẻ em, khiếm khuyết này có thể xảy ra ngay khi mới chào đời, do sự phát triển bất thường của cơ hoành trong thời kì bào thai, gọi là thoát vị hoành bẩm sinh. Ở người lớn, thoát vị hoành thường do mắc phải, đây thường là hệ quả của các chấn thương ngực kín hoặc hở trực tiếp hoặc gián vào lồng ngực, ổ bụng. Một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thoát vị hoành do tăng áp lực ổ bụng đột ngột như ho, hắt hơi, nôn mửa, rặn khi táo bón, trong khi nâng vật nặng,…Tuy nhiên dù là nguyên nhân nào, thoát vị hoành có thể xảy ra cấp tính, các tạng bên dưới đi vào trong khoang lồng ngực bị nghẹt, hay chèn ép tim phổi ảnh hưởng hô hấp đều cần phẫu thuật cấp cứu để đảm bảo tính mạng.

            Triệu chứng: Mức độ biểu hiện của các triệu chứng trong thoát vị cơ hoành rất đa dạng. Sự khác nhau tùy thuộc vào kích thước, nguyên nhân và các tạng liên quan. Các triệu chứng thường gặp là nóng sát sau xương ức, buồn nôn, nôn, nuốt khó, ho không giải thích được, nặng hơn có thể khó thở, đau ngực, đau bụng, chướng bụng,…Những triệu chứng của thoát vị hoành rất dễ nhầm với một số bệnh như viêm dạ dày trào ngược, rối loạn tiêu hóa, đau thắt ngực,…

            Chẩn đoán: Thoát vị hoành bẩm sinh có thể phát hiện được ngay cả trước khi em bé chào đời, còn thoát vị hoành ở người lớn được nghĩ tới sau chấn thương ngực bụng, qua chẩn đoán hình ảnh siêu âm, chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ.

            Điều trị: Dù là nguyên nhân nào thì cách điều trị đều là phẫu thuật sắp xếp lại các cơ quan từ lồng ngực đặt trở lại vào ổ hụng, sau đó sửa chữa cơ hoành.

            Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị hoành: phẫu thuật hở và phẫu thuật nội soi: Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị hoành ngày nay được ưu tiên tiến hành do nhiều ưu điểm vượt trội với độ an toàn cao, giảm thiểu đau đớn và biến chứng phẫu thuật, tính thẩm mỹ cao với vết mổ nhỏ, nhanh lành, bệnh phân phục hồi sức khỏe nhanh chóng, giảm thời gian và chi phí nằm viện. Đây là kĩ thuật hiện đại, độ khó cao đã được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định nhiều năm nay với máy móc trang thiết bị phẫu thuật nội soi hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên trình độ vững vàng, giàu kinh nghiệm.

            Cho đến nay không có cách nào để phòng ngừa thoát vị hoành, chủ yếu nhờ tính cẩn trọng trong sinh hoạt, thể thao, lao động, tham gia giao thông,…tránh xảy ra các chấn thương vào ngực bụng; điều trị ổn định các bệnh lý và tránh các tình trạng làm tăng áp lực ổ bụng,…Trong các trường hợp, chẩn đoán có thể không được phát hiện trong một thời gian dài cho đến khi thoát vị hoành đã trở nên đủ gây ra triệu chứng, như trường hợp của người bệnh P.T.B

            Do đó các bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kì hàng năm, phát hiện các bệnh lý bất thường như thoát vị hoành hoặc ngay khi có các dấu hiệu triệu chứng nghi ngờ như trên, đặc biệt ở những người có tiền sử chấn thương ngực bụng, cần đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được chẩn đoán sớm, can thiệp kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định