logo

SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN - Bệnh không của riêng ai

( 13/04/2025) SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN - Bệnh không của riêng ai

1. Suy giãn tĩnh mạch (SGTM) là gì?

Suy giãn tĩnh mạch chân là một bệnh lý mạn tính xảy ra khi chức năng của hệ thống van tĩnh mạch bị suy giảm, dẫn đến các tĩnh mạch bị giãn ra và có hiện tượng ứ trệ tĩnh mạch dẫn đến các biểu hiện suy giãn tĩnh mạch với các mức độ khác nhau.

2. Vì sao SGTM thường xuất hiện ở chân?

Điều này là do máu ở tĩnh mạch chân phải di chuyển ngược chiều trọng lực và trải qua quãng đường dài nhất để trở về tim so với các nơi khác.        

3. Liệu bạn có nguy cơ bị SGTM chân?

Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc SGTM chân bao gồm:            

- Phải đứng ngồi trong thời gian dài (do nghề nghiệp yêu cầu như nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, bảo vệ...)                                                     

- Lối sống thụ động: ít tập thể dục, hay ngồi hoặc nằm một chỗ...                     

- Tiền sử gia đình có SGTM hoặc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu.             

- Thừa cân.                                                

- Mang thai và sinh đẻ nhất là phụ nữ sinh đẻ nhiều lần.                                    

- Lớn tuổi.                                                     

4. Làm thế nào để biết mình bị SGTM chân? Bệnh SGTM có thể bao gồm:   

 - Cảm giác nặng chân, mỏi chân, đặc biệt vào cuối ngày.

 - Cảm giác đau nhức chân, chuột rút đặc biệt về đêm.                                  –

 - Phù nhẹ ở cổ chân hoặc cẳng chân.

 - Xuất hiện tĩnh mạch nổi dưới da (dạng lưới hoặc giãn ngoằn ngoèo).

 - Da vùng cổ chân sậm màu, có thể xuất hiện loét nếu bệnh tiến triển nặng.

5. SGTM chân có điều trị được không?

Các phương pháp điều trị SGTM bao gồm: điều trị nội khoa, can thiệp nội tĩnh mạch hoặc phẫu thuật.                                                        

6. Phương pháp điều trị bằng sóng cao tần (Radiofrequency - RF)

Can thiệp nhiệt nội mạch bằng sóng cao tần (RF) là một trong những phương pháp điều trị ít xâm lấn, hiện đại và hiệu quả trong điều trị suy tĩnh mạch chi dưới.

- Nội nhiệt tĩnh mạch bằng sóng RF là gì?

Phương pháp RFA sử dụng năng lượng sóng cao tần (Radiofrequency) để làm nóng và phá hủy thành tĩnh mạch bị suy giãn. Một ống catheter nhỏ sẽ được đưa vào lòng tĩnh mạch, sau đó năng lượng RF sẽ làm co thành tĩnh mạch và khiến mạch máu bị đóng lại. Máu sẽ được điều hướng qua các tĩnh mạch khỏe mạnh khác.

- Ưu điểm vượt trội của RFA:

Ít xâm lấn: Không cần rạch da lớn, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.

Hồi phục nhanh: Người bệnh có thể đi lại ngay sau điều trị và sinh hoạt bình thường trong 1–2 ngày.

Hiệu quả cao: Tỷ lệ thành công trên 95%, cải thiện nhanh triệu chứng và thẩm mỹ.

An toàn: Hạn chế tổn thương mô xung quanh, ít biến chứng hơn so với phẫu thuật truyền thống.

- Quy trình thực hiện:

1. Bác sĩ siêu âm xác định vị trí tĩnh mạch suy.

2. Gây tê tại chỗ.

3. Đưa ống catheter vào lòng tĩnh mạch cần điều trị.

4. Phát sóng RF để làm co và đóng kín tĩnh mạch.

- Ai nên điều trị bằng sóng cao tần?

Người bị suy tĩnh mạch độ II trở lên.

Không đáp ứng với điều trị nội khoa (thuốc, mang vớ/tất y khoa).

Người có nhu cầu thẩm mỹ cao hoặc muốn tránh mổ mở.

Tại Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, hệ thống máy RF đạt chuẩn, đã và đang áp dụng phương pháp Ứng dụng sóng cao tần RF trong điều trị bệnh lý Suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Đây là phương pháp điều trị rất hiệu quả với nhiều ưu điểm như: Thời gian thực hiện ngắn, an toàn, ít biến chứng, ít đau, tỷ lệ điều trị thành công cao, không để lại sẹo, hồi phục nhanh. Suy giãn tĩnh mạch cần được tầm soát, phát hiện và điều trị sớm để đạt hiệu quả điều trị cao nhất, đảm bảo tính thẩm mỹ, sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo: Hãy chủ động đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám khi có dấu hiệu nghi ngờ, đừng để suy giãn tĩnh mạch làm tổn thương sức khỏe và cuộc sống của bạn.

Khoa Nội tim mạch

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định