7h tối, tại Khoa Cấp cứu không khí làm việc luôn bận rộn, khẩn trương, Bác sỹ Ngọc đi từng giường bệnh để thăm khám, tư vấn và chỉ định điều trị cho từng bệnh nhân hiện đang có mặt trong khoa, mỗi người một bệnh khác nhau, vẻ mặt và sự lo lắng luôn hiện hữu trên khuôn mặt của người bệnh và người nhà, nhưng với sự nhiệt tình, nhẹ nhàng của kíp trực như phần nào làm giảm đi sự bất an trong họ. Rồi tiếng còi xe cấp cứu hú vang ngoài sảnh bệnh viện, tất cả lại chạy ra để đón bệnh nhân vào, có ca tai nạn giao thông với tình trạng đa chấn thương, người bệnh kêu gào, đau đớn, người nhà hỗn loạn, những âm thanh hỗn tạp đó tạo nên một bầu không khí căng thẳng, nhưng trong phòng cấp cứu bác sĩ Ngọc và kíp trực vẫn đang nỗ lực hết mình để khám, chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân theo đúng quy trình một cách tận tâm. Tất cả những hành động đó Tôi đã thu vào nhãn quan của mình đầy đủ, chi tiết và đầy cảm phục.
Đêm về khuya, thời tiết cũng dịu mát hơn, nhìn đồng hồ tích tắc kêu trên tường đã thấy điểm chỉ 2h sáng, lúc này Tôi cũng thấm mệt, chiếc đồng hồ sinh học của mình như muốn nhắc nhở - cậu chủ nên ngủ thôi, nhưng chợt bừng tĩnh bởi tiếng hỗn loạn bên ngoài của một đám người trẻ tuổi, tò mò Tôi tiến lại gần, có một nam thanh niên đang được đưa vào phòng cấp cứu số 112 và bác sĩ Ngọc cũng đã có mặt, sơ khám ban đầu cho thấy các dấu hiệu: Lơ mơ, đờ đẫn rồi xỉu, da danh tái, vã mồ hôi, thở chậm, nhịp tim không đều, hạ thân nhiệt. Kết luận dùng ma túy quá liều - sốc. Từ phí sau quan sát, Tôi có cảm giác cậu thanh niên đó sẽ không qua khỏi, nhưng rất may chỉ sau 10 phút cấp cứu tích cực của kíp trực cậu ta đã có dấu hiệu hồi tĩnh. Bấy giờ kíp trực cũng nhìn nhau và thở phào nhẹ nhõm.
Chia sẻ với tôi, bác sĩ Ngọc nói: “ Nghề chọn mình và mình cũng đã chọn nghề, vì vậy bọn mình luôn nỗ lực hết mình vì sức khỏe và lợi ích của người bệnh”, Tôi nói: “tôi chứng kiến các anh chị một đêm trực mà em vã mồ hôi và luôn căng thẳng theo từng ca cấp cứu, vậy mà các anh chị luôn giữ cho mình sự bĩnh tĩnh, điềm đạm và nhẹ nhàng khi tiếp xúc với bệnh nhân”, Anh tiếp lời: “Cấp cứu cho bệnh nhân bình thường không sao, nhưng có những ca “đặc biệt” người nhà họ lo lắng và mất bình tĩnh dẫn đến có hành động quá kích, đe dọa bác sĩ và nhân viên y tế, những lúc như thế chúng tôi cũng rất sợ, nhưng vì lương tâm và trách nhiệm chúng tôi vẫn tiếp tục công việc theo đúng quy định, thời gian tới để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng hơn nữa, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu khám và điều trị của nhân dân trong tỉnh”.
5h sáng khi mặt trời ló rạng, tôi nhìn qua sổ khám của khoa trong một đêm, có đến 93 lượt bệnh nhân với số ca cấp cứu là 78 với nhiều các loại bệnh và triệu chứng khác nhau đủ để các anh chị căng thẳng và thấm mệt, nhưng trên môi họ vẫn luôn nở nụ cười thân thiện. Tôi ra về, lòng ấm áp lạ thường, chỉ chứng kiến một đêm thôi nhưng cũng đủ hiểu sự vất vả, khó khăn của kíp trực Khoa Cấp cứu. Và tôi nghĩ về lời dạy của Bác “lương y phải như từ mẫu”.
Lưu Đức Long
Phòng KHTH BV đa khoa tỉnh Nam Định