Điều trị Viêm túi mật cấp bằng phương pháp “Dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da dưới hướng dẫn của siêu âm”

(Ngày đăng: 15/9/2024)

Viêm túi mật cấp là một cấp cứu ngoại khoa đứng hàng đầu trong cấp cứu bụng ở các nước phát triển, ở Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng gặp nhiều. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam giới, thường xảy ra ở độ tuổi trung niên và tuổi già.

Sỏi hiện diện trên 90% các trường hợp viêm túi mật cấp, dẫn đến tình trạng ứ đọng trong túi mật, hậu quả của sự ứ đọng là viêm và nhiễm trùng, làm tổn thương niêm mạc túi mật kèm theo đó dịch mật có độ acid cao làm đẩy nhanh quá trình tổn thương niêm mạc mật.

Lâm sàng : Bệnh nhân khởi phát là cơn đau quặn mật sau hơn 6 tiếng, cơn đau không giảm đau liên tục vùng hạ sườn phải kèm theo có sốt (38 độ hoặc 38,5 độ) .Khám thấy nghiệm pháp Murphy dương tính. Nếu đến muộn hơn, bệnh nhân đau nhiều vùng thượng vị và vùng hạ sườn phải, sốt cao hơn (39 độ - 40 độ), hội chứng nhiễm trùng rõ rệt. Một số trường hợp viêm túi mật có thể xuất hiện thêm vàng da…

Cận lâm sàng: Trên siêu âm hoặc CT scanner có hình ảnh dịch quanh túi mật, túi mật to (đường kính ngang > 4 cm), thành dày (>3mm), sỏi trong túi mật hoặc sỏi ở phần thấp OMC; Xét nghiệm có bạch cầu tăng cao > 10.000/ml, CRP > 1.5 mg/dL, Bilirubin toàn phần và trực tiếp tăng cao...

Mổ cắt túi mật sớm trong viêm túi mật cấp được coi là phương pháp chuẩn trong điều trị viêm túi mật cấp. Tuy nhiên, với viêm túi mật cấp độ II- III (theo TOKYO 2018 ) trên bệnh nhân cao tuổi, bệnh lý kết hợp nặng thì tỷ lệ tự vong rất cao khi phẫu thuật. Phương pháp được lựa chọn hiện nay trên những bệnh nhân này là dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da dưới hướng dẫn của siêu âm “Percutaneous Transhepatic Gallbladder Drainage”.

Đây là một phương pháp can thiệp có tác dụng điều trị triệu chứng, thường được tiến hành dưới siêu âm. Hiện nay được áp dụng nhiều trong điều trị giảm nhẹ viêm túi mật cấp hoặc tắc mật cấp do sỏi, do u phần thấp OMC. Nhược điểm của PTGD là bệnh nhân phải mang ống dẫn lưu mật ra ngoài dẫn đến dễ tụt ống và nhiễm khuẩn đường mật. Tuy nhiên, có rất nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da có tỷ lệ thành công cao với biến chứng nhiễm khuẩn đường mật do thủ thuật gây ra thấp, được áp dụng cho những bệnh nhân điều trị nội khoa không kết quả, có tiên lượng xấu và nguy cơ tử vong cao khi cắt túi mật toàn bộ.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định phương pháp “Dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da dưới hướng dẫn của siêu âm” được xem là kỹ thuật chuẩn trong dẫn lưu túi mật không phẫu thuật. Dưới hướng dẫn của siêu âm, chọc kim 18-G xuyên gan vào túi mật, sau đó 1 catheter có 1 đầu uốn cong cỡ từ 6 – 10 Fr được đặt vào túi mật dưới dẫn đường của Guidewire.


Trong ngày mưa bão Yagi ngập lụt nhiều nơi, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định có tiếp nhận bệnh nhân nữ T.T.M - 89 tuổi, xã Trung Nghĩa - huyện Ý Yên - tỉnh Nam Định vào viện trong tình trạng: đau bụng hạ sườn phải, sốt hai ngày, thể trạng suy kiệt, ho nhiều, kích thích vật vã. Bệnh nhân có tiền sử đã mổ cắt 2/3 dạ dày cách đây 23 năm, điều trị thường xuyên viêm phổi từ 10 năm nay. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cơ bản và chụp City Scanner 64 dãy ổ bụng có hình ảnh đường mật trong và ngoài gan giãn, có nhiều sỏi cản quang phần thấp, viên lớn kích thước 17,5cm; túi mật căng to kích thước 130x 54 mm, có dịch xung quanh túi mật được chẩn đoán:“Viêm túi mật cấp do sỏi bùn túi mật, Sỏi ống mật chủ/ Viêm phổi hai bên - Tiền sử đã cắt 2/3 dạ dày”. TS.BS Hoàng Ngọc Hà - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp nhận định đây là một trường hợp khó, điều trị nội khoa không kết quả và nguy cơ tử vong cao nếu điều trị phẫu thuật ngoại khoa. Phương pháp tối ưu cho bệnh nhân là “Dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da dưới hướng dẫn của siêu âm”. Bệnh nhân đã được hội chẩn cùng bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh và thực hiện thủ thuật cấp cứu ngay trong đêm.

                     Hình ảnh chụp CT Scanner 64 dãy hình ảnh túi mật căng to, có nhiều dịch xung quanh túi mật.



Hình ảnh: Dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da dưới hướng dẫn của siêu âm trên bệnh nhân.

Sau khi siêu âm, xác định túi mật và chọn vị trí dẫn lưu túi mật, BSCKI Nguyễn Ngọc Tú - Khoa Chẩn đoán hình ảnh phối hợp cùng TS.BS Hoàng Ngọc Hà - Khoa Ngoại tổng hợp đã tiến hành gây tê tại chỗ, chọc vào túi mật xuyên gan qua da bằng kim chuyên dụng, luồn dây dẫn vào túi mật, nong đường hầm xuyên gan qua da và đặt dẫn lưu, thủ thuật an toàn, thành công.

Bệnh nhân sau 24 giờ thực hiện thủ thuật tình trạng ổn định, không sốt, giảm đau bụng, ăn uống được. Kết quả siêu âm cho thấy túi mật đã xẹp, lòng túi mật có hình ảnh dẫn lưu ra da. Bệnh nhân tiếp tục được sử dụng kháng sinh, chăm sóc nâng cao thể trạng và đã được ra viện sau 48h.


Hình ảnh: Kết quả siêu âm đánh giá lại sau 24h cho thấy túi mật đã xẹp, lòng túi mật có hình ảnh dẫn lưu ra da.

Dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da dưới hướng dẫn của siêu âm là phương pháp ít xâm lấn, ít đau, thời gian điều trị nhanh, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng và được xem là giải pháp thay thế an toàn ở những bệnh nhân nguy cơ cao khi phẫu thuật.