Gãy xương phức tạp sau cú ngã
Trao đối với PV báo Sức khỏe&Đời sống, BS. Nguyễn Văn Hưng, Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình cho biết, BN đầu tiên được thay khớp vai lần này là một cụ bà Lâm Thị Ng. (72 tuổi), quê tại xã Việt Hưng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. BN trượt chân bị ngã, sau ngã đau và mất vận động vai trái.
Sau đó, BN được đưa đến khám tại BVĐK tỉnh Nam Định. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành chụp X-quang và CT-scanner, chẩn đoán BN gãy phức tạp cổ phẫu thuật xương cánh tay (T) theo Phân độ Neer IV.
Các bác sĩ phẫu thuật thay khớp vai cho bệnh nhân.
Theo BS. Hưng, vùng khớp vai là nơi có nhiều mạch máu thần kinh phức tạp, trường hợp BN này là người già có tình trạng loãng xương, nếu kết xương thì khả năng thất bại rất cao. Do đó, các bác sĩ đã chỉ định thay toàn bộ khớp vai cho BN.
Đáng mừng, sau mổ thay khớp vai, BN ổn định, hồi phục tốt, tiếp tục được phục hồi chức năng để sớm trở về cuộc sống sinh hoạt như bình thường.
Hình ảnh khớp vai bị gãy của bệnh nhân.
Người bệnh thụ hưởng kỹ thuật cao ngay tại BV tỉnh
BS. Hưng cho biết, kỹ thuật thay khớp vai được triển khai tại Việt Nam từ vài năm gần đây, nhưng chủ yếu tại các trung tâm, BV lớn như BV Việt Đức, BV Trung ương Quân đội 108…
Tại BVĐK Nam Định, các kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối… đã trở thành thường quy nhưng đây là lần đầu tiên các bác sĩ tuyến tỉnh chủ động hoàn toàn trong việc thực hiện kỹ thuật thay khớp vai thành công cho BN sau quá trình dài chuẩn bị chu đáo, mà không phải mời chuyên gia về hỗ trợ “cầm tay chỉ việc”.
“Trước đây, BN gãy khớp vai nếu nhẹ thì bó bột, nẹp vít nhưng BN dễ bị đau trở lại, hạn chế trong sinh hoạt như chải tóc, ăn cơm, mặc quần áo khó khăn… lâu ngày dễ gây thoái hóa khớp vai. Trường hợp nặng phải chuyển lên các BV tuyến trên điều trị, chi phí khá tốn kém. Kỹ thuật thay khớp vai giải quyết được vấn đề đau, vận động khớp vai… mà các phương pháp cổ điển trước đây chưa làm được. Với việc thực hiện thành công kỹ thuật này đã đánh dấu bước phát triển của khoa Chấn thương chỉnh hình tuyến tỉnh, đem lại chất lượng điều trị cho người bệnh ngay tại quê nhà”- BS. Hưng nói thêm.
Hình ảnh X-quang sau mổ thay khớp vai của bệnh nhân.
Cũng theo BS. Hưng, thay khớp vai là kỹ thuật khó. Để có được thành công này, BVĐK tỉnh Nam Định đã có sự chuẩn bị rất chu đáo từ vấn đề đào tạo con người, cơ chế thủ tục, BHYT, trang thiết bị hiện đại...
Hiện nay, BHYT đã thanh toán cho kỹ thuật này tại BV tuyến tỉnh, chi phí điều trị của người bệnh giảm đi rất nhiều so với trước đây.
Được biết, trong thời gian tới, kỹ thuật thay khớp vai sẽ được triển khai thường quy tại BVĐK tỉnh Nam Định giúp người bệnh được thụ hưởng kỹ thuật hiện đại ngay tại BV tuyến tỉnh, không phải chuyển tuyến điều trị.
Theo: Sức Khỏe đời sống