Tham dự Hội thảo có bà Meredith Wyse, đại diện Tổ chức trợ cấp quốc tế; đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị, bệnh viện thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Bộ Lao động thương và binh xã hội, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, Tổ chức WHO, Ngân hàng thế giới, JICA; các cơ quan thông tấn báo đài Trung ương, Hà Nội dự và đưa tin.
PGS.TS.Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS.Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: nhờ những thành quả của phát triển kinh tế-xã hội và công tác y tế, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng lên. Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ trở thành nước có dân số già vào sau 2030. Điều đáng chú ý quá trình già hóa của nước ta chỉ diễn ra trong khoảng 20 năm. Trong khi đó, Pháp phải mất 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Mỹ 69 năm và Nhật Bản 26 năm.
Theo nhận định của Liên hiệp quốc, từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Đây không chỉ là vấn đề của việc già hóa dân số nhanh mà cần phải khẳng định, người cao tuổi (NCT) là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Họ là vốn quý về kiến thức, về kinh nghiệm sống mà những người trẻ phải học tập. Chăm sóc tốt NCT là minh chứng cho sự phát triển của hệ thống y tế và an sinh xã hội tại Việt Nam.
Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, đòi hỏi hệ thống y tế cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bệnh tật ở NCT chủ yếu là không lây nhiễm và mạn tính, nhiều bệnh nặng đang ngày càng phổ biến như: ung thư, căng thẳng, bệnh hệ thần kinh... Những xu hướng này khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Không những vậy, NCT còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác…
Để giải quyết những thách thức và tận dụng cơ hội của thời kỳ già hóa dân số hiện nay, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số và nhu cầu của NCT vào tất cả các chương trình, chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; đa dạng hóa loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc NCT phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng người cao tuổi.
Trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, tăng cường công tác y tế cơ sở cho chăm sóc ban đầu, triển khai mô hình bác sỹ gia đình theo hướng tiếp cận chăm sóc toàn diện, liên tục để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức sức khỏe của người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng. Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Đề án Quyết định phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025.
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tham luận như: Đánh giá nhu cầu CSSK NCT và thực trạng chăm sóc dài hạn cho NCT tại Việt Nam; chăm sóc dài hạn:Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam; chăm sóc dài hạn cho NCT tại cộng đồng và mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
Các đại biểu cũng đưa ra một số vấn đề thảo luận tại Hội thảo luận đó là: Các khuyến nghị nhằm phát triển chăm sóc dài hạn tại Việt Nam; xác định các hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam trong xây dựng chiến lược chăm sóc dài hạn; xác định nhu cầu xây dựng năng lực chăm sóc NCT tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn hy vọng thông qua Hội thảo này, trên cơ sở trình bày về thực trạng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế, các đại biểu sẽ đóng góp những bài học quý báu, những định hướng quan trọng trong hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Việt Nam, biến những thách thức về già hóa trở thành cơ hội phát triển về CSSK NCT tại Việt Nam hiện nay./