Bệnh lý bướu tuyến giáp lành tính khá phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ sau 40 tuổi và người cao tuổi, tuy nhiên có thể gặpở mọi lứa tuổi với tỷ lệ lên tới 55% khi thăm khám tình cờ bằng siêu âm. Một trong những thể lành tính thường gặp của bướu tuyến giáp là nang tuyến giáp. Khi một tổn thương tuyến giáp có chứa thànhphần dịch từ 50-90% thì được gọi là nang hỗn hợp, và lớn hơn 90% là nang đơn thuần.
Hầu hết các tổn thương dạng nang này không cần điều trị khi không gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Nhưng khi nang tuyến giáp quá to có thể gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đến tâm lý bệnh nhân hoặc chèn ép gây khó thở, nuốt vướng thì nên điều trị.
Từ năm 1976, phương pháp chọc hút dịch đơn thuần đã đạt hiệu quả tốt nhưng tỷ lệ tái phát cao gần 70%. Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp là phương pháp điều trị triệt để nhưng kèm theo đó là nhiều nguy cơ trong và sau phẫu thuật. Trên cơ sở đó, việc điều trị nang tuyến giáp một cách triệt để và xâm lấn tối thiểu là điều các bệnh nhân quan tâm. Theo khuyến cáo năm 2016 của Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ, phương pháp tiêm cồn tuyệt đối điều trị nang lành tính tuyến giáp dưới hướng dẫn siêu âm là phương pháp đầu tay với các ưu điểm là an toàn, dễ thực hiện, có thể thực hiện nhắc lại mà không gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
Cơ chế của kỹ thuật là sau khi đã chọc hút dịch trong nang tuyến giáp thì tiến hành bơm cồn tuyệt đối vào trong nang. Cồn tuyệt đối sẽ gây biến tính protein, tắc mạch máu nhỏ, mất nước tế bào, từ đó tế bào thành nang bị hoại tử xơ hóa. Mô xơ này sẽ co rút làm mất khả năng tái lập dịch vào trong nang, nhờ đó mà hiệu quả điều trị được lâu dài.
Hình ảnh khối nhìn thấy trên lâm sàng và tổn thương dạng nang trên siêu âm trước can thiệp
Hình ảnh thực hiện kỹ thuật tiêm cồn tại khoa Chẩn đoán hình ảnhBệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định
Hình ảnh sau khi thực hiện tiêm cồn không còn quan sát thấy khối trên lâm sàng và trên siêu âm
Trường hợp Bệnh nhân N.Đ.C - 74 tuổi, đến khám tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định với lý do nuốt nghẹn, đã từng điều trị U nang thùy phải tuyến giáp 4 lần bằng phương pháp chọc hút dịch đơn thuần nhưng tái phát thường xuyên, gây ảnh hưởng tâm lý. Sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm đánh giá bệnh nhân có nang hỗn hợp với thành phần đặc chiếm <20%, ê kíp thủ thuật gồm BSCK1 Nguyễn Ngọc Tú và Bs Lê Duy Tùng đã thực hiện thành công kỹ thuật hút dịch và tiêm Ethanol tuyệt đối dưới hướng dẫn siêu âm. Hút ra khoảng 20ml dịch màu nâu, sau đó bệnh nhân được tiêm cồn tuyệt đối vào nang. Kết quả sau tiêm cồn tổn thương nang nhỏ lại, không còn quan sát và sờ thấy khối vùng cổ. Bệnh nhân sau thủ thuật đạt hiệu quả về mặt thẩm mỹ, cảm giác căng tức, khó chịu vùng cổ không còn.
Với phương pháp tiêm cồn tuyệt đối điều trị nang giáp đã và đang được triển khai tại khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định. Bệnh nhân được can thiệp tối thiểu, đạt hiệu quả tối đa, không để lại sẹo, có thể về nhà ngay sau can thiệp, giảm chi phí điều trị và không phải chuyển lên tuyến trên./.